tìm bệnh theo tên (nhập chữ cái đầu tiên của tên bệnh bạn muốn tìm) ABCDEGHKMNOPQRSTUVXThuốc đặt âm đạo có ảnh hưởng tới thai? Mang thai tuần thứ 37, đi khám bác sĩ cho viên đặt âm đạo, thành phần mỗi viên gồm metronidazole 500mg, miconazole nitrate 100mg, lactobacillus acidophilus 50mg. Tuy nhiên khi đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thấy có lưu ý không dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc cho các giai đoạn còn lại của thai kỳ. Chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết. Vậy tôi dùng không biết có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Trịnh Thị Loan (Đồng Hới – Quảng Bình) Xem xét tính chất và tác dụng dược lý của 3 thành phần thuốc có trong viên đặt âm đạo, chỉ có metronidazole là không được dùng trong 3 tháng đầu của thai nghén. Metronidazole vẫn thường được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí, lỵ amip, nhiễm trùng roi đường sinh dục. Nếu thai nghén đã gần đến ngày sinh thì không còn ngại thuốc có ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như chất lượng thai.
Miconazole là thuốc dùng để chữa nấm Candida ở khoang miệng, hầu, đường tiêu hoá, đường sinh dục, có thể dùng cả khi có thai, trừ khi có quá mẫn với thuốc.
Lactobacilllus là sinh khuẩn tổng hợp, có chừng 60 triệu trong một viên nang, có tác dụng lập lại cân bằng hệ vi sinh, giúp vi khuẩn Doderlein không gây bệnh phát triển để trở thành hàng rào tự nhiên chống nhiễm khuẩn. Trong điều trị viêm âm đạo tái diễn, lactobacillus nên dùng sau đợt dùng kháng sinh để hệ vi sinh tự nhiên trong âm đạo sớm hồi phục.
Thuốc đặt âm đạo trước khi sinh là nhằm phòng ngừa vỡ ối sớm, đồng thời cũng phòng ngừa cả nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cho cả thai khi đi qua đường sinh dục trong khi chuyển dạ. Nhiều trẻ sơ sinh bị tưa miệng (bệnh nấm ở miệng) có thể là do người mẹ bị nhiễm nấm âm đạo không được điều trị. Vì vậy, bạn có thể yên tâm khi sử dụng thuốc và cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tác giả: BS. Xuân Anh Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 161 ngày 9/10/2010 ------------
Viêm âm đạo từ khi còn con gái? Cháu mới lấy chồng và mới quan hệ được một lần. Từ khi chưa lấy chồng và chưa có quan hệ tình dục, cháu đã thấy khí hư có màu bã đậu đóng thành cục và bám ở thành âm đạo, ngứa, có mùi khó chịu. Vậy có phải cháu đã bị bệnh viêm âm đạo từ khi còn con gái?... Cháu vừa đi khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm. Kết quả: nấm candida +, tế bào ++, bạch cầu +. Cháu đã đặt thuốc 12 ngày và sau đó đi khám xét nghiệm lại, kết quả bạch cầu +, tế bào +, trực khuẩn ++. Xin hỏi so kết quả lần 2 thì bệnh của cháu có tiến triển tốt hơn không? Bây giờ cháu phải làm thế nào và cháu có sinh được con không?
Nguyễn Thị Lành (Quảng Ninh)
Viêm âm đạo là bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi và do nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn (trực khuẩn, cầu khuẩn...); nấm; trùng roi, hay gặp là nấm Candida. Bình thường trong âm đạo vẫn có các vi khuẩn hoạt động gọi là vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, khi nó phát triển quá mức sẽ gây bệnh. Theo thư bạn mô tả và kết quả xét nghiệm, bạn vừa nhiễm nấm vừa nhiễm trực khuẩn. Khi bị nhiễm nấm nếu không điều trị triệt để sẽ dễ tái phát. Đặc điểm của nhiễm nấm Candida là khí hư ra nhiều, đóng vón thành cục ở thành âm đạo và gây ngứa. Về điều trị, cần thụt rửa âm đạo và đặt thuốc chống nấm vào âm đạo ngày 1 lần, trong 7 - 14 ngày. Chú ý, khi đặt thuốc không quan hệ tình dục đồng thời điều trị cho cả chồng bằng thuốc uống chống nấm. Trường hợp của bạn sau đặt thuốc chống nấm, xét nghiệm chỉ còn trực khuẩn, bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ cho bệnh khỏi hoàn toàn vì nếu viêm nhiễm phụ khoa không điều trị có thể gây viêm tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh sau này. Nên nhớ, viêm âm đạo không chỉ gặp ở phụ nữ có chồng mà còn gặp cả ở các em gái do không biết cách vệ sinh kinh nguyệt, do tắm rửa ở nguồn nước không sạch... Lời khuyên là hằng ngày cần vệ sinh bộ phận sinh dục ít nhất một lần bằng nước sạch, khi có kinh cần thay băng vệ sinh 3 - 4 lần/ngày, vệ sinh trước và sau khi sinh hoạt tình dục (cả hai người). Hiện tại, bệnh của bạn không có gì trầm trọng. Chúc bạn yên tâm điều trị.
Tác giả: BS. Vũ Hồng Ngọc
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 159 ngày 5/10/2010